GS Nguyễn Hữu Châu cho rằng trong tương lai xu hướng cá nhân hóa triệt để sẽ không chấp nhận sự phân hóa một cách khá hình thức theo kiểu phân ban như hiện nay.
GS Nguyễn Hữu Châu cho rằng trong tương lai xu hướng cá nhân hóa triệt để sẽ không chấp nhận sự phân hóa một cách khá hình thức theo kiểu phân ban như hiện nay.
GS.TS Nguyễn Hữu Châu - giảng viên cao cấp Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, các chương trình giáo dục trong tương lai sẽ rất khác so với các chương trình hiện tại. Xu hướng cá nhân hóa triệt để sẽ không chấp nhận sự phân hóa một cách khá hình thức theo kiểu phân ban như hiện nay.
Khi Chương trình Giáo dục phổ thông mới chính thức được triển khai, học sinh sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với những điều mới mẻ để khám phá và phát huy năng lực. Ảnh: INT.
Trong tương lai, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ số, quá trình dạy học sẽ được phân hóa tới mức “cá nhân hóa triệt để”. Các chương trình học trên máy tính sẽ cho phép mỗi học sinh chọn môn học, một số phần của nội dung môn học, cách thức, các kĩ thuật, công cụ học và cả thời gian học phù hợp với bản thân để đạt được chuẩn chung.
Mặc dù học với công nghệ số sẽ càng thể hiện rõ hơn vị trí trung tâm của người học nhưng người thầy càng trở nên quan trọng hơn với vai trò hướng dẫn và trợ giúp. Dạy học sẽ thực sự là “dạy cách học”, “dạy cách khám phá kiến thức”. Giáo viên không chỉ cần giỏi về lĩnh vực khoa học chuyên môn mà phải giỏi về công nghệ và giỏi về cách hướng dẫn học sinh học bằng công nghệ. Sứ mệnh của người giáo viên càng trở nên nặng nề hơn. Phải chuẩn bị đào tạo đội ngũ giáo viên với rất nhiều phẩm chất khác biệt ở các trường sư phạm. Cũng cần chuẩn bị chương trình bồi dưỡng cho các giáo viên đang hành nghề.
Vì việc học có thể diễn ra mọi nơi và mọi lúc nên các nhà trường với ý nghĩa vật chất trong tương lai không còn như trước. Ở nhiều nước, người ta dự báo về tình trạng không còn trường học truyền thống và học sinh có thể chọn học ở những nơi thích hợp nhất. Nhờ sự xâm nhập mạnh của công nghệ thông tin, các tư tưởng dạy học tích cực vốn rất khó thực hiện trong khuôn khổ các lớp học truyền thống chật hẹp, với thời gian hạn chế và với người giáo viên đóng vai trò nguồn cung cấp tri thức duy nhất sẽ được thể hiện trong quá trình dạy học với công nghệ số.
Để thích ứng với chương trình giáo dục trong tương lai, theo GS Nguyễn Hữu Châu, cần phải bắt đầu nghĩ đến việc chuẩn bị xây dựng Chương trình giáo dục mới. Thông thường, chu kì của một chương trình giáo dục là 15, 16 năm. Do đó ngay từ bây giờ, cần bắt đầu ngay việc xây dựng chương trình của thời kì công nghệ số. Trong khi chờ đợi chương trình mới, các chương trình tích hợp STEM (Khoa học - Công nghệ - Kĩ thuật - Toán học) cần được khích lệ ở Việt Nam. Các chương trình và khóa học STEM nhằm chuẩn bị kĩ năng cho người lao động tham gia vào thị trường lao động tự động hóa.
Công nghệ thông tin sẽ mang đến cho giáo dục những cuộc cách mạng về phương pháp, cách thức dạy học. Tuy nhiên, bên cạnh niềm tin vào những yếu tố tích cực cũng cần tỉnh táo để nhận thức được những thách thức và bất lợi có thể xảy ra trong giáo dục ở tương lai, trong đó có việc đối phó với tình trạng bất bình đẳng số.
GS Nguyễn Hữu Châu chia sẻ: Thuật ngữ “bất bình đẳng” số (Digital divide) nói đến sự bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận công nghệ số giữa những nước giầu và những nước nghèo, giữa những vùng phát triển và vùng chậm phát triển, giữa người có thu nhập cao và người có thu nhập thấp.
Dù công nghệ càng phát triển nhưng giáo viên vẫn giữ vai trò quan trọng. Ảnh minh họa: INT.
Trong tương lai khi công nghệ số càng phát triển, khoảng cách số này càng lớn, điều này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của giáo dục ở các vùng miền khác nhau. Đây là những khoảng cách không thể san lấp. Sự bù đắp cho vùng khó chỉ bằng cách đổ tiền trang bị nhiều hơn máy tính và các phương tiện công nghệ thông tin là thực sự không hiệu quả. Người ta lo ngại về sự khác biệt không chỉ ở cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin mà quan trọng hơn là ở những gì người học thu nhận được từ các phương tiện công nghệ số.
Cả hai khoảng cách như vậy sẽ làm cho học sinh nghèo, các vùng khó chịu đựng thua thiệt nhiều hơn. Ở Việt Nam, tình trạng phân biệt này là rất rõ và có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong tương lai. Điều này sẽ làm cho mục tiêu giảm thiểu sự bất bình đẳng trong giáo dục rất khó đạt. Giống như ở nhiều nước không thể san lấp các khoảng cách số, ở Việt Nam cần có những nỗ lực để cải thiện tình hình cho các địa phương khó khăn. Có thể học được một số bài học kinh nghiệm về vấn đề này từ các quốc gia khác như tăng cường việc học di động.
Học bằng điện thoại di động là rất tiện tích với tất cả mọi người, vì có thể học ở mọi nơi và mọi lúc. Học bằng điện thoại di động càng thích hợp hơn với những vùng khó và với học sinh có khó khăn về tài chính khi mà các em rất khó có điều kiện để có máy tính riêng mà chỉ có thể có điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng và sử dụng sách giáo khoa điện tử. Đây vừa là nguồn cung cấp tri thức, vừa là phương tiện cho học sinh thực hiện khám phá, kiến tạo kiến thức và tự đánh giá kết quả học.
Với các chức năng như vậy, sách giáo khoa điện tử là hữu ích với tất cả học sinh nhưng càng hữu ích hơn với học sinh ở những nơi không có Internet hoặc Internet phập phù, không ổn định. Tuy nhiên, cần xây dựng sách giáo khoa điện tử theo đúng nghĩa của nó mà không phải chỉ là những bản chụp PDF của các sách giáo khoa in trên giấy. Cuối cùng một bài học rất đáng học từ những nước đang phát triển khác là sử dụng công nghệ cũ theo những cách thức mới. Radio, TV vẫn cần được tận dụng khai thác sử dụng ngay cả trong thời kì phát triển ồ ạt các công nghệ mới. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các vùng, miền khó khăn.
Khi các cuộc cách mạng công nghệ bùng nổ và phát triển mạnh mẽ, một số nhà giáo dục lo lắng rằng trong tương lai sẽ không còn học sinh, sinh viên để dạy nữa trong một tương lai gần vì “Giáo sư Robot” có thể đảm nhận hết nhiệm vụ và khả năng của thầy cô ở đa số giáo viên hiện nay.
Vấn đề là: Giáo dục sẽ không bao giờ biến mất. Nó sẽ chỉ mất ở các hình thức khác nhau. Trong bài viết này, tôi và các bạn cùng tưởng tượng và định hình tương lai của giáo dục trong 20 năm tới sẽ thay đổi như thế nào? Từ đó chuẩn bị tâm thế để đáp ứng với xu thế giáo dục tương lai ngay từ bây giờ nhé.
Thứ nhất: Chúng ta cùng hình dung trong 20 năm nữa và với sự phát triển của công nghệ như hiện nay… sẽ có rất nhiều kho tư liệu giáo dục, rất nhiều bài giảng elearning, rất nhiều “giáo sư Robot”. Vì thế, học sinh sẽ chỉ cần sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ kết nối mạng internet là chiếm trọn mọi cơ hội học tập vào bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Học sinh hoàn toàn có thể học tập từ xa, tự phát triển. Giáo dục không có biên giới, một môn học, một đơn vị trường, một tổ chức có thể tuyển sinh và cung cấp học liệu tới toàn bộ người học có nhu cầu trên khắp thế giới.Vấn đề đặt ra là: lý thuyết, mô hình thí nghiệm qua video, clip sẵn sàng, nhưng môi trường thực hành, tương tác trực tiếp để gắn lí thuyết vào thực tế cuộc sống bên ngoài các lớp học online sẽ như thế nào? Đây là thách thức cũng như cơ hội cho các trường, các đơn vị, các doanh nghiệp và thậm chí là các xưởng thực hành giáo dục. Lúc này, thầy cô giáo phải thực sự là người sáng tạo, giàu kinh nghiệm giống như “nghệ nhân giáo dục”.
Thứ hai: Học sinh sẽ học với các công cụ học tập phù hợp với sở thích và khả năng của học sinh. Điều này có nghĩa là học sinh trên trung bình sẽ được thử thách với các nhiệm vụ và câu hỏi khó hơn khi đạt được một mức độ nhất định. Học sinh gặp khó khăn với một môn học sẽ có cơ hội thực hành nhiều hơn cho đến khi đạt được mức độ yêu cầu. Học sinh sẽ được củng cố tích cực trong quá trình học tập cá nhân của họ. Điều này có thể dẫn đến trải nghiệm học tập tích cực và sẽ làm giảm số lượng học sinh, sinh viên mất tự tin về khả năng học tập của mình. Hơn nữa, giáo viên cũng có thể thấy rõ học sinh nào cần giúp đỡ trong lĩnh vực/môn học nào.
Thứ ba: Mặc dù mọi môn học được dạy đều hướng đến cùng một đích, con đường dẫn đến đích đó có thể khác nhau đối với mỗi học sinh. Tương tự như trải nghiệm học tập được cá nhân hóa. Học sinh, sinh viên sẽ có thể sửa đổi quy trình học tập của mình bằng các công cụ mà họ cảm thấy cần thiết. Học sinh sẽ học với các thiết bị khác nhau, các chương trình và kỹ thuật khác nhau dựa trên sở thích riêng của mình. Học tập dự án, lớp học đảo ngược (học lý thuyết gắn liền với thực hành) tạo thành thuật ngữ quan trọng trong sự thay đổi này. Học sinh nên làm quen với học tập dựa trên dự án ở trường để hoàn thiện các kỹ năng tổ chức, hợp tác và quản lý thời gian. Đây là những điều cơ bản mà mọi học sinh cần phải thực hành triệt để ngay trong lộ trình học tập của mình.
Thứ tư: Trong một tương lai gần, máy tính sẽ sớm đảm nhận mọi phân tích thống kê, mô tả và phân tích dữ liệu cũng như dự đoán xu hướng trong tương lai. Do đó, việc giải thích của con người về những dữ liệu này sẽ trở thành một phần quan trọng hơn nhiều trong chương trình giảng dạy của giáo dục tương lai. Áp dụng kiến thức lý thuyết vào các con số và sử dụng trí tuệ con người để suy luận logic và dự đoán được chính xác xu hướng tương lai… sẽ trở thành một khía cạnh mới, cơ bản của các môn học.
Thứ năm: Các kỳ thi sẽ thay đổi hoàn toàn. Vì các nền tảng phần mềm khóa học sẽ đánh giá khả năng của học sinh ở mỗi bước. Kiểm tra năng lực kiến thức thông qua Hỏi và Đáp sẽ trở nên không liên quan hoặc có thể không đủ. Nhiều ý kiến cho rằng các kỳ thi hiện nay được thiết kế theo cách như vậy khiến học sinh bị nhồi nhét kiến thức và quên đi ngay ngày hôm sau. Do đó, kiến thức thực tế của một học sinh phải được đo lường bằng việc áp dụng kiến thức để làm được việc trong các dự án trong lĩnh vực trực tiếp liên quan. Đó mới là cách kiểm tra hiệu quả và chính xác nhất.
Trong 20 năm tới, sinh viên sẽ kết hợp rất nhiều sự độc lập trong quá trình học tập của họ. Thầy cô sẽ là những cố vấn làm nền tảng cho sự thành công của học sinh. Giáo viên sẽ tạo thành một điểm trung tâm trong rừng thông tin mà học sinh muốn khám phá. Mặc dù tương lai của giáo dục có vẻ xa vời, nhưng tưởng tượng để định hình về giáo dục của giáo viên và các tổ chức giáo dục là rất quan trọng để có được chất lượng và thành công ngay từ hôm nay.